BUỔI TRAO ĐỔI TRỰC TUYẾN "VIỆT NAM XANH HƠN" - DOANH NGHIỆP TRỒNG RỪNG, CÙNG GAIA KIẾN TẠO GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
Ngày 24 tháng 6 năm 2021 – Nửa năm 2021 tiếp nối với những diễn biến khó lường của tình hình xã hội trên toàn cầu, đáng phải kế đến chính là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID19. Gần đây nhất, là tình trạng thời tiết nắng nóng gia tăng những ngày qua tại Việt Nam.
Đứng trước những thực trạng trên, phủ xanh rừng, tìm kiếm và thực thi các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc cải thiện chất lượng rừng và phủ xanh đất trống trọc cần sự tham gia, hợp tác của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân và là trách nhiệm của mọi người Tiếp nối hưởng ứng đề án trồng thêm 1 tỷ cây của Chính phủ cũng như Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc trồng và phục hồi rừng, vừa đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên, vừa kiến tạo các giá trị bền vững cho cộng đồng. Chính vì lẽ đó, sáng hôm nay (24/6),Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tổ chức buổi trao đổi trực tuyến “Việt Nam Xanh hơn” nhằm cung cấp thông tin về các cơ hội hợp tác trồng rừng, cũng như giải đáp các thắc mắc về trồng rừng của các anh/chị - đại diện đến từ các doanh nghiệp khác nhau.
Tiếp nối sự thành công của chương trình Việt Nam Xanh hơn lần 1 đã được tổ chức tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai vào tháng 1.2021 vừa qua.“Việt Nam Xanh hơn kỳ II” được tổ chức dưới hình thức trao đổi trực tuyến nhằm thích nghi trước tình hình dịch bệnh. Với sự tham gia của gần 20 đại diện các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Đại diện tham gia điều phối và chia sẻ tại buổi trao đổi, gồm có: Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Bà Đinh Thị Minh Xuân – Cán bộ chương trình Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Ông Lê Văn Triệu –Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế - Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên - Đây cũng là một trong những nơi Gaia đang đẩy mạnh hoạt động trồng rừng.
Bà Đinh Thị Minh Xuân – Cán bộ chương trình Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia chia sẻ đã mở đầu của Buổi trao đổi: “Cứ mỗi phút trôi qua, Trái Đất mất đi một diện tích rừng bằng 40 sân bóng đá (Theo Global Forest Watch và ĐH Maryland (Mỹ)). Tại rất nhiều địa phương ở Việt Nam, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.TRỒNG RỪNG - Giải pháp bền vững mà bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp có thể đóng góp cho thiên nhiên. Việc trồng rừng mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau mà lát nữa chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn.
Việc trồng rừng trong sự hợp tác với các doanh nghiệp như các anh chị lại càng thêm ý nghĩa, bởi không chỉ cùng nhau tạo ra các giá trị to lớn cho hệ sinh thái, mà còn góp phần hưởng ứng và thực hiện đề xuất trồng thêm 1 tỷ cây của Chính Phủ. Bên cạnh đó, việc trồng rừng cũng giúp các doanh nghiệp kiến tạo những giá trị bền vững, khẳng định thương hiệu, uy tín với cộng đồng”.
Ảnh 1. Bà Đinh Thị Minh Xuân – Cán bộ chương trình Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia chia sẻ đã mở đầu của Buổi trao đổi
Cũng trong khuôn khổ buổi trao đổi trực tuyến, Bà Trần Thị Minh Tâm – Đại diện doanh nghiệp Manulife có đặt ra câu hỏi: “Gaia có thể cho biết lộ trình, kế hoạch hoạt động trồng rừng lâu dài của GaIa là gì? Mục tiêu 3 năm - 5 năm - 10 năm của Gaia sẽ triển khai như thế nào?”
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường giải đáp:
“Trong thời điểm hiện tại và cả tương lai, Gaia vẫn nỗ lực quyết tâm tiếp tục trồng rừng nhiều hơn, bởi lẽ đây chính là một trong các hoạt động đi song hành với chương trình hành động toàn cầu –“Thập kỉ phục hồi hệ sinh thái”. Vì vậy, trồng rừng sẽ là một chương trình trọng tâm mà Gaia quyết tâm đẩy mạnh trong thâp kỷ tới, bên cạnh các giải pháp phục hồi hệ sinh thái khác.
Về mục tiêu: Gaia luôn chú trọng tạo ra sự thay đổi cụ thể của từng khu vực, từng nơi mà Gaia tiến hành trồng rừng. Mục tiêu cụ thể hay chương trình hoạt động sẽ còn gắn liền với tình hình thực tế, các vấn đề cấp bách ở mỗi thời điểm khác nhau, điều gì cần ưu tiên thực hiện, giải quyết trước tiên. Tuy nhiên, Gaia tin tưởng rằng: việc trồng cây là hoạt động cần thiết của mọi thời đại, nhất là khi chúng ta đang đứng trước thực trạng rừng bị tác động nặng nề như hiện nay.
Trên hành trình đó, một trong những yếu tố tiên quyết để giúp Gaia có thể tạo ra sự thay đổi đã, đang và sẽ một phần rất lớn đến từ sự hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc nhận thức rõ và sử dụng đúng “Vốn tự nhiên” - Điều này giúp đáp ứng lợi ích song phương bền vững của doanh nghiệp: vừa gia tăng lợi nhuận, vừa góp phần tạo ra những tác động tích cực đến môi trường”.
Ảnh 2.Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp.
Mục đích của các chương trình trồng rừng nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm. Bên cạnh đó, phục hồi rừng còn đảm bảo phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu sống của những người dân vùng đệm rừng đầu nguồn. Gaia kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân và trường học đồng hành cùng Gaia trong chương trình trồng rừng đầy ý nghĩa, góp phần kiến tạo một “Việt Nam xanh hơn”!
Mời Doanh nghiệp tìm hiểu cách thức đồng hành hợp tác cùng Gaia tại:
http://bit.ly/doanhnghiepthamgiagaia
LIÊN LẠC
Hotline Gaia: 08.6927.6928.
Email: info@gaiavn.org
Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia www.gaiavn.org
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh.
Chương trình góp 1 cây là góp rừng
http://bit.ly/gop1caylagoprung
Góp một cây là góp rừng, là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm!
Tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp 1 hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích, với chi phí từ 15.000 đến 95.000đ/cây. Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên…
Ngay sau khi bạn chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên website Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo về khu rừng công khai cho mọi người đóng góp.
Trong năm 2020, với sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, Gaia đã tiến hành trồng hơn 206.000 cây gỗ lớn trên diện tích hơn 77ha tại 5 khu rừng đầu nguồn khắp Việt Nam.
Hiện trạng rừng Việt Nam
Đến ngày 31/12/2017, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.
Bài viết khác
+ GAIA VÀ DỰ ÁN S.H.E HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC GÂY QUỸ 5HA RỪNG XUÂN LIÊN
+ VINAMILK NỖ LỰC BỀN BỈ VỚI CÁNH RỪNG NET ZERO ĐẤT MŨI CÀ MAU
+ P&G VÀ CENTRAL RETAIL TRỒNG RỪNG XUÂN LIÊN ƯƠM MẦM MỘT VIỆT NAM XANH
+ ĐẨY MẠNH KHOANH NUÔI RỪNG CÀ MAU VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN
+ NGÂN HÀNG HONG LEONG TRỒNG RỪNG TÀ KÓU ĐÁNH DẤU 15 NĂM THÀNH LẬP VỚI CAM KẾT HƯỚNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG