CÔNG TY INTEL TRỒNG RỪNG BẢO VỆ VOI

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

CÔNG TY INTEL TRỒNG RỪNG BẢO VỆ VOI

Đồng Nai, ngày 28 tháng 06 năm 2019 - Tiếp nối thành công chương trình “Trồng và Giám sát Rừng” năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia tiếp tục quyết tâm làm giàu rừng Đồng Nai. Đây là nỗ lực phục hồi các khu rừng nghèo nhằm củng cố chức năng của rừng, đặc biệt là bổ sung nguồn thức ăn, cải thiện nơi sinh sống của Voi và các loài động vật hoang dã quý hiếm nơi đây như: Bò tót, hồng hoàng, Chà vá chân đen…

 

Trong hai ngày 25 và 28 tháng 6 năm 2019, Trung tâm Bảo tồn thiên Gaia đã phối hợp với Công ty Intel Products Việt Nam, trồng làm giàu khoảng 20.000 m2 rừng nghèo tại Khu Dự Trữ Sinh Quyển Thế giới Đồng Nai. Hơn 1000 cây, thuộc 5 loài gỗ quý và cây làm thức ăn cho động vật hoang dã đã được trồng gồm: Huỷnh, Mít nài, Chôm chôm rừng, Xoài rừng, Sấu.

 

Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Đồng Nai là nơi sinh sống của 1 trong những quần thể Voi cuối cùng tại Việt Nam. Cả nước hiện chỉ còn không quá 50 con Voi hoang dã ngoài thiên nhiên, trong đó một quần thể Voi khoảng 11-14 cá thể đang sinh sống tại Đồng Nai. Năm 2010, bảy cá thể Voi hoang dã tỉnh Đồng Nai đã bị giết hại. Không kiếm đủ thức ăn trong rừng, Voi phải ra khu vực ruộng Điều, Xoài của người dân kiếm ăn và đã bị đầu độc chết. Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai đã lắp đặt 50km hàng rào điện tử ngăn khôngcho Voi ra khu vực nương rẫy kiếm ăn. Tuy nhiên người ta vẫn thường xuyên thấy bầyVoi ra kiếm ăn ở khu vực gần hàng rào điện tử và tìm cách vượt ra ngoài. Rõ ràng, khôi phục rừng, trả lại nguồn thức ăn dồi dào cho đàn Voi và các loài hoang dã mới là giải pháp lâu dài và triệt để, không chỉ bảo vệ Voi mà còn bảo vệ nhiều loài hoang dã khác nhau.

 

Điểm đặc biệt của chương trình Trồng và giám sát rừng cùng Gaia này là khu rừng sẽ được liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc trong 4 năm để đảm bảo rừng phát triển tốt. Người trồng rừng sẽ cùng Gaia thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giám sát khu rừng như: lập danh sách các loài động thực vật, đo độ che phủ rừng, đo chiều  cao cây, chụp ảnh giám sát rừng…

 

Hai ngày trồng rừng đã trở thành sự kiện cộng đồng ý nghĩa và đáng nhớ cho hơn 250 nhân viên công ty Intel Products Việt Mam. Đối với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên họ được cầm cuốc xẻng, được trồng rừng và nâng niu cây cối. Không những thế, chuyến đi bộ TẮM RỪNG sau khi trồng rừng không chỉ giúp người tham gia phục hồi năng lượng tích cực mà còn giúp họ hiểu thêm về nhiều loài quý hiếm và các mối quan hệ đặc biệt ở rừng như: Đa bóp cổ, lá Trung Quân, cây dây leo luôn xắn ngược chiều kim đòng hồ ở bắc bán  cầu...

 

Bà Hồ Thị Thu Uyên – Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam và Malaysia cho biết: “Hoạt động trồng rừng hôm nay rất ý nghĩa và mang tính bền vững lâu dài. Với phương án chăm sóc và giám sát kỹ lưỡng của Gaia, tôi tin rằng nỗ lực trồng cây hôm nay sẽ góp phần tạo ra khu rừng tốt hơn, nhiều loài hơn, giá trị hơn và sẽ là ngôi nhà cho Voi và các loài động vật hoang dã. Chúng tôi đã có hai ngày thật tuyệt vời cùng nhau trồng rừng!”

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập&Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho biết: “Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, chất lượng rừng suy giảm, khiến cho nhiều loài động vật bị mất nơi sinh sống, đồng thời suy giảm chức năng sinh thái bảo vệ cuộc sống của rừng. Chương trình trồng và giám sát rừng này được thiết kế đặc biệt phù hợp với Công ty Intel Products Việt Nam, để không chỉ góp phần tạo ra khu rừng giàu loài và giá trị sinh tháo cao,mà còn tập trung tạo ra trải nghiệm mới lạ và truyền cảm hứng cho người trồng rừng, để họ có thể tiếp tục lan toả thông điệp bảo vệ rừng ra cộng đồng”.

 

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh chương trình trồng và giám sát rừng cộng động đến nhiều nơi hơn như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cần Giờ... đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài hoang dã và thiên nhiên Việt Nam.

 

Gaia cũng kêu gọi sự ủng hộ, của các công ty, đơn vị, trường học, cá nhân, cùng đồng hành với Gaia trong công cuộc phục hồi, làm giàu rừng đầy ý nghĩa này!

 

LIÊN HỆ

Đỗ Thị Thanh Huyền

Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia

Email: huyen.do@gaiavn.org | Mobile: 0912287156

www.www.gaiavn.org | www.facebook.com/gaiavn.org

 

THÔNG TIN BỔ SUNG

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Mùa hè khám phá thiên nhiên cho các Công ty, Gia đình, (3)Học tập trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các cơ quan, đơn vị, (4) Giáo dục môi trường cho các nhóm đối tượng khác nhau, (5) Nâng cao năng lực giáo dục bảo tồn cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên (6) Tái chế rác thành phân xanh.

 

Về Intel

Intel, công ty hàng đầu thế giới về những đột phá trong công nghệ và sản phẩm silicon, chuyên phát triển công nghệ, sản phẩm và những sáng kiến nhằm không ngừng cải thiện phương thức sống và làm việc của con người. Các thông tin về công ty Intel có thể tìm thấy tại địa chỉ: http://newsroom.intel.com

 

Năm 2008, Công ty Intel đã có hoạt động trồng rừng đầu tiên tại Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, và liên tục tham gia các hoạt động tình nguyện, đóng góp cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, an toàn, sức khỏe, môi trường.  Tính đến nay đã có hơn 170.000 giờ tình nguyện được thực hiện bởi nhân viên công ty tại Việt Nam.

 


Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2017, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  


 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY