CÙNG THẾ GIỚI TRỒNG 4500 CÂY TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN XUÂN LIÊN

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

CÙNG THẾ GIỚI TRỒNG 4500 CÂY TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN XUÂN LIÊN

Thanh Hóa, ngày 21 tháng 03 năm 2020 – Hưởng ứng “Ngày Thế giới trồng cây”,  Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên triển khai trồng 4500 cây tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Hoạt động trồng cây nhằm phục hồi 7ha rừng nghèo kiệt và góp phần tạo ra nơi sinh sống an toàn cho nhiều loài động vật quý hiếm như: Bò tót, Voọc xám, Vượn đen má trắng, Mang Roosevelt...

 

Từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chọn ngày 21.3 hằng năm là “Ngày Thế giới trồng cây” để kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững trong tương lai. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu: “Rừng không chỉ là lá phổi xanh của con người, mà còn là môi trường sống của mọi loài sinh vật khác. Sự suy thoái đa dạng sinh học rừng và biến đổi khí hậu có mối tương quan chặt chẽ, rừng càng cạn kiệt và sụt giảm diện tích thì tác động của biến đổi khí hậu càng lớn và thời tiết càng cực đoan, đe dọa các Quốc gia có vùng duyên hải trên Thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ”.

 

Khu vực trồng rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trước đây vốn là đất ở và nương rẫy của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại những vùng đất cần phục hồi thành rừng. Mười lăm loài cây sẽ được trồng làm giàu 7ha rừng là các loài cây gỗ và cây đa mục đích gồm: Lim xanh, Lát hoa, Long não, Pơ mu, Quế, Tai chua, Sao đen, Re hương, Giáng hương, Gáo vàng, Giổi, Xà cừ, Sấu, Bằng lăng và Ban. Mỗi ha rừng trồng hoặc tái trồng, có thể giúp hấp thụ được khoảng 95-123,2 tấn CO2/năm, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hoạt động trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên còn giúpcải thiện chức năng sinh thái của rừng, tăng cường giá trị nghỉ dưỡng, giáo dục, khoa học cho khu rừng. Đây cũng sẽ là nơi sinh sống an toàn cho nhiều loài quý hiếm.

 

Với thông điệp Góp 1 cây là góp rừng Xuân Liên, sau một tháng triển khai gây quỹ cộng đồng, chiến dịch đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của Công ty SAITEX, Công ty Cổ phần Thương mại BOO,  Nhãn hàng Purité Baby và 144 tập thể, gia đình, cá nhân khác. Mỗi cá nhân, đơn vị ủng hộ trồng rừng đều kèm theo những thông điệp nhắn nhủ ý nghĩa đến mọi người như: Con yêu rừng, Cây ơi lớn nhanh, Vì màu xanh của bé, Một cây xanh là một mái nhà,...

 

Điểm đặc biệt của Chương trình trồng rừng này là khu rừng sẽ được theo dõi, giám sát và chăm sóc trong vòng 4 năm để đảm bảo rừng phát triển ổn định, với tỷ lệ sống tối thiểu là 70-80%. Gaia phối hợp cùng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thực hiện hoạt động nghiên cứu, giám sát khu rừng và công khai báo cáo hàng năm. Mọi người đều có thể cập nhật thông tin về khu rừng hàng năm như: tỷ lệ sống của cây, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, ảnh giám sát khu rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong khu rừng...

 

Sau một thời gian chuẩn bị đất, cây giống, địa hình, toàn bộ 4500 cây đã được trồng trong vài  ngày nay, với sự góp sức của các cán bộ Gaia, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, người dân địa phương dày dạn kinh nghiệm trồng-chăm sóc rừng và đặc biệt đại diện nhà tài trợ từ Công ty Cổ phần Thương Mại BOO.

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập&Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, với  20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên chia sẻ: “Chương trình trồng và giám sát rừng cộng đồng được Gaia đặc biệt thiết kế để người trồng rừng không chỉ trồng cây mà còn có cơ hội hiểu biết về khu rừng, cùng Gaia theo dõi sự phát triển của khu rừng để thấy hiệu quả thiết thực của việc trồng rừng. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ mỗi tập thể, cá nhân, Gaia chúng tôi quyết tâm phục hồi thêm nhiều khu rừng đầu nguồn trong cả nước, quyết tâm trồng thêm ít nhất 1 triệu cây, nhằm tạo dựng những khu rừng phòng hộ khỏe mạnh, vì sức khỏe, lợi ích của chính cộng đồng và tạo dựng ngôi nhà chung cho các loài động vật hoang dã”

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Trồng và giám sát rừng cộng đồng” tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và nhiều khu rừng đầu nguồn trong cả nước như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai, Vườn quốc gia Tràm Chim, Vườn quốc gia BiDoup Núi Bà, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cần Giờ …

Gaia kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của các công ty, đơn vị, cá nhân và trường học đồng hành cùng Gaia trong chương trình trồng rừng đầy ý nghĩa thiết thực này. 

Xem thêm hình ảnh trồng rừng Xuân Liên tại đây

LIÊN HỆ

Đỗ Thị Thanh Huyền

Nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia

Email: huyen.do@gaiavn.org | Mobile: 0912287156

www.www.gaiavn.org | www.facebook.com/gaiavn.org

 

THÔNG TIN BỔ SUNG

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Mùa hè khám phá thiên nhiên cho các Công ty, Gia đình, (3)Học tập trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các cơ quan, đơn vị, (4) Giáo dục môi trường cho các nhóm đối tượng khác nhau, (5) Nâng cao năng lực giáo dục bảo tồn cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên (6) Tái chế rác thành phân xanh. 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thành lập năm 1999, diện tích khoảng 27.668 ha. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm như: Bò tót, Voọc xám, Vượn đen má trắng, Mang Roosevelt Thông nàng), Sa mu, Pơ mu, Vù hương ... Tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên hiện nay, có khoảng 150ha rừng nghèo kiệt, trước đây vốn là đất canh tác của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại các khu đất nương rẫy không có rừng. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua 20 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài.

Công ty TNHH Saitex

SAITEX, nhà máy denim quy mô lớn đầu tiên và duy nhất trên thế giới được B Corp, Fair Trade chứng nhận, và được LEED và Blue Sign chứng nhận với công nghệ vô song và tác động bền vững.

 

Nhãn hàng Thiên nhiên PURITE BABY https://puritebaby.com/

Là sản phẩm tắm gội thiên nhiên dành cho bé đầu tiên tại Việt Nam chứa 97% thành phần công thức có nguồn gốc từ thiên nhiên như: hạt đậu mỡ, hạt macca, táo… nhẹ nhàng làm sạch làn da nhạy cảm và mái tóc mỏng manh của bé.

Với các bài thơ ngắn và "tuyệt chiêu tắm vui" ngay trên chai sản phẩm, Purité Baby mong muốn cổ vũ mẹ tương tác nhiều hơn với con trong lúc tắm, giúp kích thích trí tưởng tượng và óc quan sát của bé phát triển tốt hơn.

 

Công ty Cổ phần Thương mại BOO

Là công ty thời trang Việt dành cho giới trẻ ra đời từ năm 2009, với thương hiệu quen thuộc Bò Sữa. Các sản phẩm của BOO hướng tới tinh thần đường phố, thể hiện phong cách trẻ trung và sự sáng tạo. Không chỉ mang thời trang gần với những tâm hồn trẻ được gắn kết bởi văn hoá, bản sắc cộng đồng, BOO còn tự hào với sứ mệnh đưa đến mọi sản phẩm được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững của môi trường, thay cho lời cam kết sống xanh, sống khoẻ, sống có trách nhiệm với tương lai.

 

Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2017, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.

 

Cách góp cây, nhận báo cáo hàng năm về rừng Xuân Liên

Khi tham gia trồng rừng, người tham gia có thể để lại một thông điệp, lời nhắn nhủ của mình trên khu rừng tại: http://bit.ly/rungxuanlien

Người tham gia có thể nhận thông tin về hiện trạng phát triển khu rừng mình đã đóng góp bằng cách để lại thông tin tại đây: http://bit.ly/goprungxuanlien

 

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY