ĐẨY MẠNH KHOANH NUÔI RỪNG CÀ MAU VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

ĐẨY MẠNH KHOANH NUÔI RỪNG CÀ MAU VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN

Cà Mau, ngày 26 tháng 9 năm 2024 - Thống kê từ năm 2011 - 2022, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km, sạt lở đã làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Cà Mau. Trước hiện trạng đó, trong hai ngày 25 và 26/9, Công ty British American Tobacco (BAT) Việt Nam và Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tổ chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 40 ha bãi bồi tại vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Với bước tiến này, BAT Việt Nam và Gaia đã hoàn thành dự án hợp tác trồng rừng trong giai đoạn 2022 – 2024 với mục tiêu phủ xanh 4 ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 120 ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. 

Động lực thúc đẩy hoạt động trồng rừng tái sinh tự nhiên

Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, Việt Nam thuộc nhóm nước chịu nhiều tác động nhất do biến đổi khí hậu. Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao 1m thì chúng ta có thể mất gần 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long. Thống kê từ năm 2011 - 2022, tại Cà Mau, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km trong tổng số 254km bờ biển của tỉnh. Sạt lở đã làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương diện tích của một xã). Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Cà Mau. 

Theo nhiều nghiên cứu, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ gấp 4-10 lần lượng carbon so với rừng trên cạn, giúp cung cấp sự liên kết giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái biển, và tạo ra môi trường sống lý tưởng của nhiều sinh vật. Do đó, khoanh nuôi trồng rừng ngập mặn là một trong những hoạt động hiệu quả nhất để chống xâm nhập mặn, giúp hấp thụ khí carbon một cách tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, theo McKinsey & Company, trồng rừng là giải pháp duy nhất giúp hấp thụ CO2 và góp phần lớn vào cam kết phi phát thải của Việt Nam vào năm 2050.

Đây chính là động lực thúc đẩy BAT Việt Nam đưa ra sáng kiến khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trong giai đoạn 2022 – 2024. 

Từ cam kết mạnh mẽ đến kết quả thực tiễn

Thông qua dự án hợp tác trồng rừng cùng Gaia được khởi động từ năm 2022, BAT Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ hướng đến hai ưu tiên lớn trong chương trình phát triển bền vững của doanh nghiệp, bao gồm: Bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, và Ứng phó với biến đổi khí hậu.

“BAT Việt Nam nhận thấy, bên cạnh nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong chuỗi giá trị của mình, chúng tôi còn cần chung tay cùng Chính phủ Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức…trong việc khôi phục những khu rừng bị suy thoái và bảo vệ đa dạng sinh học”, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Đối ngoại vùng Đông Á tại BAT từng chia sẻ trong buổi họp với cán bộ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Đó là lý do trong năm 2024, BAT Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng Gaia thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 40 ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Để khởi động cho hoạt động năm nay, BAT Việt Nam đã tổ chức chương trình ESG Day (Ngày hướng đến hoạt động Phát triển Bền vững) với sự tham gia của 50 nhân viên –  đóng góp hàng trăm giờ làm tình nguyện, cùng các nhân viên và tình nguyện viên từ Gaia, và các cán bộ thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cùng nhau trực tiếp dựng hàng rào và giăng lưới để khoanh nuôi các cây mắm trắng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp mà BAT Việt Nam tổ chức ESG Day và thực hiện hoạt động trồng rừng tại Mũi Cà Mau. Chia sẻ về ý nghĩa của dự án này cũng như chương trình ESG Day thường niên, ông Jahid Shafique – Giám đốc Nhân sự, Văn hóa và Hòa nhập của BAT Việt Nam chia sẻ: “Dự án trồng rừng của BAT Việt Nam hợp tác với Gaia không chỉ là hành động vì môi trường, dự án này còn thể hiện sâu sắc văn hóa ‘Làm điều đúng đắn - Do the Right Thing’ của BAT Việt Nam, khi chúng tôi đặt giá trị bền vững và trách nhiệm với môi trường lên hàng đầu. Hoạt động khoanh nuôi và những kiến thức về rừng ngập mặn trong ESG Day không chỉ giúp đội ngũ BAT Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn đối với việc bảo vệ rừng, có trách nhiệm với môi trường, mà còn thắt chặt thêm sự kết nối nội bộ, tạo ra một tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung giữa các cá nhân trong công ty”. 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho hay: “Khoanh nuôi, trồng và chăm sóc rừng là một hành trình đầy thách thức, vì thế Gaia chúng tôi trân trọng biết ơn những doanh nghiệp lớn đầy tâm huyết có tầm nhìn rộng như BAT Việt Nam đã không quản ngại vất vả để đồng hành cùng Gaia gầy dựng những cánh rừng có giá trị sinh thái to lớn, vừa giúp bảo vệ nguồn nước, giảm thiệt hại bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật với giá trị đa dạng sinh học cao, góp phần thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh của Chính phủ đến năm 2025.”

Kết hợp với hoạt động khoanh nuôi rừng, BAT Việt Nam còn đồng hành cùng Gaia tổ chức các chương trình họp cán bộ lãnh đạo và truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ và khoanh nuôi xúc tiến rừng ngập mặn. Chương trình đã được tổ chức ở 5 ấp thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, vùng đệm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với sự tham gia của hơn 250 người dân. Các nội dung về giá trị của rừng ngập mặn, các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng được diễn đạt dễ hiểu dưới các hình thức trò chơi để người dân dễ dàng tiếp thu, kèm với đó là tặng phẩm áo thun bảo vệ rừng để bà con luôn được ý thức được “Bảo vệ rừng ngập chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”.

Tính đến hiện tại, hoạt động khoanh nuôi đã có nhiều kết quả khả quan, khu rừng năm 2022 đã có hơn 12.500 cây tái sinh và khu rừng năm 2023 đã có hơn 8.600 cây tái sinh. Trong thời gian tới, Gaia cùng với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau sẽ tiếp tục triển khai chăm sóc, giám sát, ứng dụng các tiến bộ khoa học lâm nghiệm để đưa ra kết quả cập nhật chính xác nhất để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao nhất, từ đó nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư hướng đến môi trường của doanh nghiệp.

Xem thêm ảnh hoạt động tại đây


THÔNG TIN THÊM 

Về BAT tại Việt Nam

Tại BAT Việt Nam, phát triển bền vững luôn giữ vai trò trọng tâm trong các hoạt động kinh doanh và trong các giá trị cốt lõi của Tập đoàn qua nhiều thập kỷ. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, trải qua 30 năm hình thành và phát triển, BAT Việt Nam hiện là một trong những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động bền vững trên thị trường thông qua việc luôn duy trì và thực hiện các cam kết phát triển bền vững, với nhiều sáng kiến và hoạt động ESG trong 3 lĩnh vực: Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance).

www.batvietnam.com

Về Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia Nature Conservation) 

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4) Rác thải nhựa và Sống Xanh.

www.gaiavn.org  

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau 

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là vùng trọng điểm của Khu Dự trữ Sinh Quyển thế giới Cà Mau, một trong khu RAMSAR của Việt Nam (đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới). Thành lập năm 2003 với diện tích 41.862 ha, trong đó 15.262 ha là đất liền, còn lại 26.600 ha là vùng bờ biển và các bãi bồi, đây là Vườn Quốc gia ở cực Nam của Tổ quốc, với ý nghĩa chính trị, quốc phòng to lớn. Đồng thời, đây cũng là nơi bảo tồn nguồn gen, bảo vệ các hệ sinh thái đa dạng với hơn 400 loài, trong đó có hơn 40 loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như Rái cá, Mèo cá, Trăn gấm…

 

 

 
 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY