MƯA TẠNH NƯỚC RÚT KHẨN TRƯƠNG TRỒNG RỪNG MIỀN TRUNG

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

MƯA TẠNH NƯỚC RÚT KHẨN TRƯƠNG TRỒNG RỪNG MIỀN TRUNG

Trong ba tháng 9, 10, 11 vừa qua, những trận mưa dầm kéo dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho miền Trung. Mưa lũ đã làm 5 người chết và mất tích; 12.906 nhà ngập ở mức từ 0,2 - 0,6m; hàng trăm hecta đất canh tác nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng cùng với nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Địa phương chịu bị ảnh hưởng nhiều nhất là Thừa Thiên Huế, nơi đã hứng chịu đợt lũ lớn chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Sự kéo dài bất thường của những đợt mưa năm nay thay vì những cơn bão như mọi năm chính là do tác động cộng gộp của biến đổi khí hậu và hiệu ứng El Nino. Theo dự báo, trong thời gian tới, thời tiết sẽ biến đổi ngày một cực đoan với nhiều thiên tai dị thường và khốc liệt hơn. Trong khi đó, những khu rừng - lá chắn phòng hộ của miền Trung đang ngày một mỏng đi và càng nhiều lỗ thủng. 

 

Tỉ lệ che phủ rừng của miền Trung đạt 54.22% nhưng phần lớn là rừng sản xuất, rừng nghèo. Những khu rừng chưa kịp phục hồi sau chiến tranh thì đã liên tục bị khai thác, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đơn cử như một phần nguyên nhân gây ra thảm họa Rào Trăng năm 2022 chôn vùi 17 công nhân và 13 chiến sĩ là do quá trình biến đổi khí hậu khiến mưa bão trở nên khốc liệt hơn kết hợp với việc rừng trước đây bị khai thác quá mức mất đi khả năng giữ đất, giữ nước. Điều đó cho thấy các thiệt hại do sạt lở, lũ cuốn, lũ quét một phần là do lỗi của con người chứ không hoàn toàn là chuyện thiên tai.

 

Bà Huyền Đỗ - Nhà Sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Nước mưa khi rơi xuống vùng có rừng bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Đồng thời, thực tế cho thấy, nếu nước mưa trực tiếp xối vào mặt đất thì mỗi năm một hecta đất trồng hoa bị xói mòn 20 tấn, đất trồng cỏ bị xói mòn 1 tấn, trong khi đó đất trồng rừng chỉ bị xói mòn 0,1 tấn. Vì thế, ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai lũ lụt và sạt lở. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hòa dòng chảy càng lớn hơn. Vì vậy việc trồng rừng Phong Điền càng trở nên khẩn thiết” 

 

Do đó, trước tình hình mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho miền Trung, đặc biệt là ở khu vực “rốn mưa” Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã khởi động chương trình Góp 1 cây là góp rừng Phong Điền, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp cây phục hồi rừng. 

 

Ông Lê Văn Hướng, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền cho biết: “Rừng Phong Điền là khu rừng đầu nguồn quan trọng, nơi điều hòa nguồn nước cho các con sông lớn trong vùng như sông Mỹ Chánh, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Rào Trăng, giúp đảm bảo nguồn nước cho hàng chục triệu người dân ở hạ lưu. Các khu rừng Phong Điền trên núi cao giúp bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở. 

 

Tuy nhiên, rừng Phong Điền hiện có 21% diện tích rừng bị suy thoái nghiêm trọng và có tới 4 công trình thủy điện:  Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Alin B1 và Alin B2 nằm trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của Khu Bảo tồn. Phong Điền cũng chính là nơi xảy ra thảm họa sạt lở Rào Trăng 3 năm 2020. Do đó, nhu cầu trồng phục hồi rừng nơi đây là thật sự cấp thiết để góp phần ngăn chặn những thảm họa sạt lở, lũ quét trong tương lai.”

 

Hưởng ứng lời kêu gọi phục hồi rừng khẩn thiết, chỉ trong tháng 11 năm nay, 3.253 cây rừng đã được góp về cho rừng Phong Điền với sự đồng hành của FPT Japan Holdings, Bầu trời trong xanh cùng với hàng trăm cá nhân trên khắp cả nước. Trong tháng 12, ngay sau khi các đợt mưa vừa dứt, các cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trực tiếp đến hiện trường để triển khai hoạt động trồng rừng. 

 

Khu vực được trồng phục hồi năm nay là 9,55ha gồm đất trồng và rừng nghèo kiệt tại đường cao tốc La Sơn - Cam Lộ và khu vực thượng nguồn của thủy điện Rào Trăng 3,4. Các loài cây được trồng ở rừng Phong Điền là những loài cây gỗ lớn bản địa, trong đó có nhiều giống cây quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam bao gồm Lim xanh, Gõ, Sao đen. Các loài cây mọc nhanh cũng sẽ được trồng bổ sung vào khu rừng.  

 

Rừng Phong Điền  sẽ được Gaia chăm sóc và giám sát trong vòng 4 năm. Các thông số về chiều cao, lượng O2 tạo ra, lượng CO2 hấp thụ,... đều được đo đạc, và tính toán gửi đến cộng đồng và công bố trên các nền tảng truyền thông hằng năm. 

 

Gaia chân thành cảm ơn sự đóng góp và ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã đồng hành góp rừng. Trong năm 2023, với sự góp sức của 43 doanh nghiệp, tổ chức và 1.822 cá nhân, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được 64.123 cây, phủ xanh 86,13ha trên 6 khu rừng, chưa tính 70ha  rừng Cà Mau với ước tính tái sinh được 350.000 cây Mắm trắng. 

 

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “Trồng và giám sát rừng” tại các khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam, đặc biệt là tại Vườn Quốc Gia Cúc Phương, Vườn Quốc Gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Cùng với đó, Gaia sẽ tiếp tục phát triển thêm các chương trình dọn rác bờ biển, truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng. Gaia kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong chương trình trồng rừng đầy ý nghĩa, góp phần kiến tạo một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn!

 

THÔNG TIN THÊM

 

Về Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia Nature Conservation)  www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh. 

 

Chương trình góp 1 cây là góp rừng (http://bit.ly/gop1caylagoprung): là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm! Tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp 1 hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích. Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên… Ngay sau khi bạn chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên website Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo về khu rừng công khai cho mọi người đóng góp. Trong 2022, Gaia đã kết nối được với các nguồn lực trong xã hội đặc biệt từ 46 doanh nghiệp, hàng ngàn tổ chức và cá nhân. Với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được hơn 223.835 cây phủ xanh diện tích hơn 121.ha, trên 6 khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. 

 

Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên. 

 

FPT Japan Holdings

 

FPT Japan Holdings là công ty công nghệ Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản và là cầu nối giao lưu văn hóa, kinh tế, tri thức giữa Việt Nam và Nhật Bản.

 

FPT Japan không chỉ coi trọng việc sản xuất và kinh doanh, mà còn đặt biệt chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chương trình trồng cây phủ xanh đồi trọc cũng nằm trong mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của FPT Japan với nỗ lực hình thành những mảng xanh giúp hấp thụ khí carbon, tiến gần đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, góp phần vào mục tiêu chung “Net Zero 2050” mà Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh.

 

Bầu trời bên trong

Bầu Trời Bên Trong là tổ chức cộng đồng ra đời với mục đích chia sẻ giá trị tích cực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua những kiến thức, giải pháp cụ thể để thanh lọc, cân bằng và chữa lành Thân – Tâm – Trí.

Bầu trời bên trong phát động Chương trình Trồng rừng với ý nghĩa góp một phần nhỏ đền đáp tấm lòng của Mẹ thiên nhiên và hưởng ứng Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh - “Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ. 

Đây là một trong những hoạt động đóng góp xã hội mà Bầu trời bên trong triển khai và cộng hưởng năng lượng cùng các cá nhân, tổ chức nhằm kiến tạo môi trường sinh thái bền vững và ngày càng trong lành trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt.

 

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY