NÂNG CAO NĂNG LỰC GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG BẢO TỒN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CHO CÁN BỘ VƯỜN QUỐC GIA VÀ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VIỆT NAM 2019

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

NÂNG CAO NĂNG LỰC GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG BẢO TỒN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CHO CÁN BỘ VƯỜN QUỐC GIA VÀ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VIỆT NAM 2019

Tháng 11 năm 2019, Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập&Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tập huấn về “Giáo dục truyền thông bảo tồn động vật hoang dã” cho 60 cán bộ Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Đây là 2 khóa tập huấn thuộc dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, trong sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam.

 

Khóa tập huấn đầu tiên được tổ chức tại Ninh Bình, Vân Long và Vườn Quốc gia Cúc Phương, từ ngày 12 đến 15 tháng 11 cho hơn 30 cán bộ đến từ 30 Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên khu vực Miền Bắc. Khóa thứ hai được tổ chức từ ngày 19 đến 22 tháng 11 tại Vườn quốc gia Cúc Phương cho hơn 35 cán bộ đến từ hơn 30 Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn Thiên nhiên Khu vực Miền Nam.. Khóa tập huấn đặc biệt này nhằm nâng cao năng lực thực hiện giáo dục truyền thông bảo vệ động vật hoang dã cho trường học, cộng đồng địa phương và du khách. Đặc biệt, khóa tập huấn là nơi chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giáo dục môi trường giữa các đơn vị. Kết thúc khóa tập huấn, các học viên được hỗ trợ kỹ thuật và tài liệu truyền thông thực hiện dự án tại đơn vị.

 

Các học viên tham gia tập huấn đến từ hơn 60 Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước. Phần lớn các học viên đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhiều cán bộ giữ vị trí Trưởng phòng/Phó phòng truyền thông giáo dục môi trường, Du lịch Sinh thái tại Vườn quốc gia, KBTTN.

 

Chương trình tập huấn được thiết kế riêng cho cán bộ với nhiều hoạt động vui vẻ, sáng tạo và mang tính ứng dụng cao tại các đơn vị. Các khóa tập huấn nhằm hệ thống lại lý thuyết và phương pháp thực hiện giáo dục truyền thông môi trường. Đây cũng là nơi  kết nối, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Vườn quốc gia, KBTTN với nhau. Tại khóa tập huấn, các học viên chia sẻ nhiều mô hình giáo dục truyền thông đang thực hiện đơn vị như: Câu lạc bộ Xanh, Hội thao kết nối cộng đồng, Hướng dẫn viên nhí, Họp dân tuyên truyền bảo vệ rừng,… Chuyến tham quan đến Cây trò nghìn năm hay Bàu Sấu – Khu RAMSAR, học viên trải nghiệm hoạt động sáng tạo, tươi vui khi thực hiện truyền thông cho du khách nhằm chung tay bảo tồn thiên nhiên.

 

Anh Hàn Thanh Phong – Vườn quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: “Khóa tập huấn đã tạo điều kiện cho anh chị em các VQG, KBTTN nâng cao kiến thức công tác tuyên truyền, giáo dục bảo tồn và đặc biệt tạo được mối quan hệ gắn kết giữa đơn vị. Sau khóa tập huấn, Phong tin tưởng mình và học viên có thể vận dụng hiệu quả những kiến thức được trang bị vào công tác chuyên môn của từng đơn vị. Phong rất hy vọng có nhiều khóa tập huấn với chủ đề cần thiết cho công tác bảo tồn trong thời gian tới.

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập&Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, giảng viên khóa tập huấn chia sẻ: “Hoạt động truyền thông giáo dục tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục truyền thông chưa được đánh giá cao và áp dụng rộng rãi trong công tác bảo tồn thiên nhiên. Khóa tập huấn là một trong những hợp phần mà Gaia tâm huyết để xây dựng mạng lưới hùng mạnh, gắn kết, truyền cảm hứng trong công tác giáo dục truyền thông bảo tồn động vật hoang dã.”

 

Cũng trong khuôn khổ dự án “Phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã” do USAID tài trợ, chị Huyền cùng với nhóm tư vấn đã biên soạn bộ tài liệu “Sổ tay Giáo dục Truyền thông Bảo tồn Động vật hoang dã – Hướng dẫn thực tế dành cho các Khu bảo tồn”. Bộ tai liệu này gồm một quyển sách hướng dẫn 188 trang khổ14X20, 1 bộ thẻ Mạng lưới sự sống 32 thẻ, 2 quạt vải với các thông điệp khác nhau dành cho du khách và người dân địa phương, và một bộ trò chơi đổ xúc sắc cho học sinh. Tại tập huấn, các học viên cũng đã được hướng dẫn sử dụng tài liệu. Ngay sau tập huấn, bộ tài liệu đã được phát rộng rãi đến các Vườn Quôc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên cả nước, nhằm hỗ trợ thực hiện hoạt động giáo dục truyền thông bảo tồn động vật hoang dã tại các đơn vị này.

 

Sau khóa tập huấn, các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên cũng đã viết đề xuất dự án giáo dục truyền thông bảo tồn động vật hoang dã tại đơn vị. Mười đơn vị với các đề xuất khả thi, phù hợp nhất đã được chọn hỗ trợ thực hiện. Các hỗ trợ này bao gồm 200 bộ tài liệu mỗi loại và quan trọng hơn là sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình từ các giảng viên để tổ chức thực hiện hoạt động hiệu quả nhất. Các giảng viên cũng sẽ tiến hành những chuyến đi đến các đơn vị được chọn để hỗ trợ trực tiếp khi tổ chức hoạt động, cũng như giám sát đánh giá hiệu quả của dự án đối với đơn vị.

 

Trong thời gian tới, Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động  nâng cao năng lực, giúp các các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên thực hiện tốt hơn các hoạt động giáo dục truyền thông bảo tồn thiên nhiên cho mọi đối tượng khác nhau. Rất mong nhận được sự tài trợ, hỗ trợ quý báu từ các đơn vị, cá nhân, nhằm góp phần bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

 

Xem thêm một số hình ảnh về khóa tập huấn tại đây. 

 

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY