TECHCOMBANK CAM KẾT ĐỒNG HÀNH VÌ MỤC TIÊU NET-ZERO VÀO NĂM 2050
[Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2024] – Việt Nam - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới, đồng thời cũng là quốc gia có lượng phát thải CO2 đứng thứ 17 toàn cầu, đang thực hiện cam kết tăng trưởng kinh tế nhanh, xanh và bền vững, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. Trong hành trình này, Techcombank tự hào là ngân hàng tư nhân tiên phong tại Việt Nam, với nhiều sáng kiến và đóng góp cụ thể, trong đó có chung tay cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia (Gaia) “trồng và phục hồi rừng”, hưởng ứng Đề án 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Là ngân hàng tư nhân luôn tiên phong với sứ mệnh “Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống”, trong những năm qua, Techcombank đã đẩy mạnh cam kết thực hiện các dự án tín dụng xanh. Tính đến năm 2023, ngân hàng đã đạt mức giải ngân 13,9 nghìn tỷ đồng tài trợ cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông bền vững, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Hướng tới mục tiêu net-zero vào năm 2050, ngay trong tháng 12.2024, Techcombank đã cùng Gaia trồng gần 12 ngàn cây xanh tại Khu Bảo Tồn Thiên nhiên Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự án này không chỉ giúp phục hồi rừng đầu nguồn, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cân bằng lượng phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Song song với đó, Techcombank đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm và các chương trình gắn kết nội bộ, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ nhân viên về dấu chân carbon và khuyến khích các hành động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nổi bật là sự kiện “Đông trao” vừa được tổ chức tại ba miền Bắc-Trung-Nam cuối tháng 11 vừa qua, thu hút hơn 9.000 cán bộ nhân viên tham dự.
Theo Ngân hàng thế giới, với lượng phát thải lên tới 344 triệu tấn CO2 trong năm 2022, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có lượng phát thải cao nhất thế giới. Báo cáo Chỉ số Kinh tế Netzero của PwC cũng cho thấy các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phát thải tới 48% lượng khí thải toàn cầu. Điều này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đặt ra thách thức trong việc giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trồng rừng và thúc đẩy lối sống xanh là hai trong những giải pháp thiết thực giúp giảm dấu chân carbon hiệu quả và bền vững.
Mới đây, ngân hàng đã cho ra mắt sản phẩm thẻ thanh toán Techcombank Visa Eco – công cụ giúp người dùng đo lường dấu chân carbon của mình thông qua giao dịch thanh toán thẻ và chủ động đóng góp cho các dự án giúp cân bằng lượng carbon. Đây được coi là bước đột phá nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và tạo cơ hội cho khách hàng tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường. Sáng kiến này đã đưa Techcombank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được vinh danh hạng mục Sustainable Product Design – Vietnam thuộc giải thưởng danh giá ESG Business Awards 2024 tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng tương lai bền vững và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với các hoạt động về ESG.
Đại diện Techcombank, Ông Prasenjit Chakravarti – Giám đốc Khối Chiến lược & Chuyển đổi Ngân hàng chia sẻ: “Tại Techcombank, ESG được tích hợp vào chiến lược cũng như các hoạt động của Ngân hàng. Trong hành trình ESG của tổ chức, yếu tố môi trường luôn được Techcombank quan tâm và là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngân hàng đã xây dựng hệ thống quản lý môi trường xã hội (ESMS) gắn liền với các quyết định kinh doanh và quản lý rủi ro trong các hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số của Ngân hàng đã cải thiện năng suất và góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường. Trồng rừng là một hoạt động nằm trong chuỗi dự án Văn hóa tổ chức của Ngân hàng, vừa góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tạo ra nền tảng giá trị bền vững dài hạn cho cộng đồng. Đồng thời, hoạt động có ý nghĩa này cũng giúp tạo động lực gắn kết cho cán bộ nhân viên Techcombank, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững và có trách nhiệm với xã hội.”
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Giảm dấu chân carbon là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu Netzero bằng 0 vào năm 2025. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của các doanh nghiệp, mà còn cần sự chung tay từ cộng đồng, ý thức của mỗi người dân. Chúng tôi đánh giá cao sự đồng hành của Techcombank trong các dự án trồng rừng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong hành trình xanh hóa nền kinh tế, mang lại những tác động thiết thực cho môi trường và xã hội”.
Trong thời gian tới, Techcombank và Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Góp một cây là góp rừng” với mục tiêu phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu, Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai...Các khu rừng sẽ được Gaia tiếp tục chăm sóc, giám sát trong vòng 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống từ 70-85%. Đồng thời với đó là ưu tiên cho công tác bảo tồn các loài hoang dã và thiên nhiên Việt Nam.
Xem thêm hình ảnh về chương trình tại đây.
THÔNG TIN THÊM
Về Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia Nature Conservation) www.gaiavn.org
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh.
Techcombank
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hiện là một trong những ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam và là ngân hàng hàng đầu châu Á với tầm nhìn: Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống. Techcombank theo đuổi chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm bằng việc cung cấp các giải pháp và dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp để giúp trao quyền tài chính cho khách hàng của mình. Techcombank hiện phục vụ 14,8 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thông qua nền tảng ngân hàng số và ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di dộng, cũng như mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng khắp trên cả nước. Cách tiếp cận hệ sinh thái của Techcombank, được thực hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế chính với các đối tác, tiếp tục tạo sự khác biệt cho Techcombank ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Techcombank được FiinRatings và Moody’s xếp hạng tín nhiệm lần lượt ở mức AA- và Ba3. Techcombank cũng được S&P xếp hạng BB-, mức cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.
Chương trình góp 1 cây là góp rừng (http://bit.ly/gop1caylagoprung): là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm! Tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp 1 hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích. Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên… Ngay sau khi bạn chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên website Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo về khu rừng công khai cho mọi người đóng góp. Trong 2022, Gaia đã kết nối được với các nguồn lực trong xã hội đặc biệt từ 46 doanh nghiệp, hàng ngàn tổ chức và cá nhân. Với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được hơn 223.835 cây phủ xanh diện tích hơn 121.ha, trên 6 khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam.
Hiện trạng rừng Việt Nam
Đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.
Bài viết khác
+ TRỒNG GẦN 300.000 CÂY TRÊN 7 KHU RỪNG ĐẦU NGUỒN
+ EDP RENEWABLES VIỆT NAM CHUNG TAY VÌ MỘT ĐẠI DƯƠNG XANH
+ UOB VIỆT NAM CÙNG GAIA CHĂM SÓC RỪNG ĐỒNG NAI
+ DE HEUS TRỒNG TRÀM, THẢ CÁ GÓP PHẦN PHỤC HỒI HỆ SINH THÁI TẠI HẬU GIANG
+ ĐẨY MẠNH PHỤC HỒI RỪNG ĐẦU NGUỒN VÌ TƯƠNG LAI BỀN VỮNG