TRỒNG GẦN 20 NGÀN CÂY GỖ LỚN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRỒNG CÂY

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

TRỒNG GẦN 20 NGÀN CÂY GỖ LỚN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRỒNG CÂY

Thanh Hoá, ngày 14 tháng 3 năm 2023 - Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới trồng cây 21.03.2023, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng gần 19.500 cây thuộc 24 loài gỗ quý hiếm tại Vườn Quốc Gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn quốc gia Cúc Phương. Hoạt động này giúp phủ xanh hơn 18 ha rừng đặc dụng, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nơi sinh sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm. 

 

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của nhân loại với hàng loạt những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt…Việt Nam là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi Khí hậu. Để ứng phó tương lai bất ổn về khí hậu, Việt Nam đã có những động thái quyết liệt như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Trồng rừng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam và thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững, ngày 21.03 hằng năm được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Liên hợp quốc đã chọn đồng thời là Ngày Thế giới trồng cây và Ngày Quốc tế về Rừng từ năm 2013. 

 

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chặn đứng suy thoái đa dạng sinh học, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia hiện đang ưu tiên triển khai chương trình Trồng và phục hồi rừng đặc dụng đầu nguồn, mà tiêu biểu  là chương trình Góp 1 cây là góp rừng, với sự chung sức của các doanh nghiệp, cá nhân khắp Việt Nam. 

 

Từ đầu tháng 2, Gaia đã bắt đầu thực hiện các hoạt động đầu tiên trong hành trình trồng hơn 20,000 cây gỗ lớn bản địa này. Trong đó phải kể đến việc chọn giống và phát dọn thực bì, chuẩn bị khu vực trồng rừng. Hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp gồm Nestlé, VNPAY, Cibes, VLS, Saitex và 590 cá nhân, nhóm trên khắp Việt Nam. 

 

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ: “Với vai trò là một doanh nghiệp vì cộng đồng, Nestlé Việt Nam luôn đặt nhiều tâm huyết cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững và đảm bảo các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là năm thứ 2, Nestlé Việt Nam phối hợp với Trung Tâm Bảo Tồn Thiên Nhiên Gaia tổ chức chương trình “Ăn Tết xanh, đón lộc lành”. Qua chương trình, chúng tôi tự hào được đóng góp 7800 cây cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn quốc gia Cúc Phương, đồng thời tổ chức các chương trình trải nghiệm cho người tiêu dùng để lan tỏa các thông điệp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nestlé hy vọng rằng những đóng góp lần này sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hành động vì một Việt nam xanh hơn.”

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhấn mạnh: “Trước những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, cả thế giới đang gấp rút chuyển dịch và hành động để ứng phó và thích nghi. Sự góp sức của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước càng trở nên ý nghĩa, hiệu quả, giúp khôi phục các khu rừng, tăng cường chức năng sinh thái của rừng và do đó tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động trồng rừng cùng Gaia còn tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho hệ sinh thái và con người. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đều có thể hành động ngay bây giờ, cùng hướng tới một hệ sinh thái khỏe mạnh, một Việt Nam xanh và bền vững hơn. ” 

 

Để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cây sống tối thiểu là 70-85% sau 4 năm, các khu rừng sẽ được theo dõi, và chăm sóc trong vòng 4 năm. Gaia cũng sẽ phối hợp cùng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn Quốc gia Bến En và Vườn quốc gia Cúc Phương thực hiện hoạt động giám sát khu rừng và công khai báo cáo hàng năm. Mọi người đều có thể cập nhật thông tin về khu rừng hàng năm như: tỷ lệ sống của cây, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, ảnh giám sát khu rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong khu rừng...

 

Trong thời gian tới, Gaia sẽ tiếp tục nỗ lực trồng thêm nhiều khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đối với chương trình, cùng nhau phục hồi rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu vì một Việt Nam xanh hơn, khỏe mạnh hơn! 

 

Mời xem thêm hình ảnh trồng rừng Xuân Liên đợt 8rừng Bến En đợt 7 tại các đường link đính kèm.

 

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia
Email: info@gaiavn.org
www.www.gaiavn.org | www.facebook.com/gaiavn.org

 

THÔNG TIN THÊM

Về Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia Nature Conservation)  www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh. 

Chương trình góp 1 cây là góp rừng (http://bit.ly/gop1caylagoprung): là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm! Tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp 1 hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích. Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên… Ngay sau khi bạn chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên website Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo về khu rừng công khai cho mọi người đóng góp. Trong 2022, Gaia đã kết nối được với các nguồn lực trong xã hội đặc biệt từ 46 doanh nghiệp, hàng ngàn tổ chức và cá nhân. Với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được hơn 223.835 cây phủ xanh diện tích hơn 121.ha, trên 6 khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. 

 

Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  

 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thành lập năm 1999, diện tích khoảng 27.668 ha. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm như: Bò tót, Voọc xám, Vượn đen má trắng, Mang Roosevelt Thông nàng), Sa mu, Pơ mu, Vù hương ... Tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên hiện nay, có khoảng 150 ha rừng nghèo kiệt, trước đây vốn là đất canh tác của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại các khu đất nương rẫy không có rừng. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua 20 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài.

 

Vườn quốc gia Bến En

Vườn Quốc gia Bến En là 1 trong 35 Vườn Quốc gia của Việt Nam, với chức năng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các loài động thực vật. Thành lập năm 1992, với diện tích 14.735ha, thuộc tỉnh Thanh Hóa, đây là khu vực rừng đầu nguồn với những cảnh quan độc đáo, nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng Thanh Hoá - Nghệ Tĩnh rộng lớn với núi cao Trường Sơn Bắc. Vườn Quốc gia Bến En có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với 1.417 loài thực vật, 1530 loài động vật, trong đó gần 500 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp Thế giới (có tên trong Sách Đỏ IUCN) và 112 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp quốc gia (có tên trong Sách Đỏ Việt Nam). Động vật quý hiếm phải kể đến: Vượn đen má trắng, Culi lớn, Culi nhỏ, Gấu ngựa, Gà lôi..., thực vật quý hiếm như: Lim xanh, Lát hoa, Chò chỉ, Vù hương.... Vườn Quốc gia Bến En đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua gần 30 năm, nơi đây vẫn gồm nhiều khu rừng nghèo kiệt, ít loài.

 

Vườn quốc gia Cúc Phương

Vườn quốc gia Cúc Phương thành lập năm 1962, là vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Vườn quốc gia Cúc Phương có tổng diện tích 22.408 ha nằm ở Thanh Hóa, Tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình. Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, theo số liệu điều tra gần đây Cúc Phương có 2234 loài thực vật bậc cao và Rêu, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương). Khu rừng trồng tại tiểu khu 18 xã Cúc Phương trước đây thuộc nhà dân và trang trại. Khi Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập, người dân địa phương đã chuyển đi và để lại những vùng đất cần thiết để biến thành rừng. Nơi này bây giờ được kiến tạo thành là vườn thực vật phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và tham quan. 

 

Nestlé https://www.nestle.com.vn/vi

Nestlé là tập đoàn thực phẩm và thức uống lớn nhất thế giới. Chúng tôi có hơn 2000 nhãn hiệu khác nhau, từ các thương hiệu biểu tượng toàn cầu cho đến các thương hiệu địa phương được yêu thích, và chúng tôi đang hiện diện tại 191 quốc gia trên toàn thế giới.

Mục đích của chúng tôi là nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn; tạo ra một thế giới tốt đẹp và khỏe mạnh hơn; truyền cảm hứng cho mọi người sống lành mạnh hơn. Đây là cách chúng tôi đóng góp cho xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh của Nestlé. Không những thế, phát triển bền vững luôn là “kim chỉ nam” trong nhiều hoạt động của Nestlé. 

Tại đợt trồng rừng tháng 03.2023, Nestlé đã góp 7800 cây xanh thuộc các giống cây gỗ lớn bản địa với các chức năng sinh thái to lớn cho rừng Xuân Liên và rừng Cúc Phương. Hoạt động lần này thể hiện sự chung tay giữa Nestlé và khách hàng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, mặt khác minh chứng cho nỗ lực hướng đến sự phát triển bền vững vì môi trường và cộng đồng của Nestlé Việt Nam. 

 

VNPAY

VNPAY là công ty fintech hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử. VNPAY cung cấp dịch vụ và giải pháp thanh toán, mua sắm không tiền mặt cho hơn 25 triệu khách hàng thông qua hơn 40 ứng dụng ngân hàng và ví điện tử VNPAY. Đồng thời, VNPAY hợp tác với 200.000 doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp thanh toán, bán chéo sản phẩm, nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Trong suốt 16 năm hoạt động, VNPAY thể hiện rõ trách nhiệm xã hội với nhiều dự án thiện nguyện trên mọi miền Tổ quốc. Trong tháng 3 này, VNPAY phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia tham gia vào hoạt động phủ xanh rừng Bến En, đóng góp vào công tác bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm lan tỏa những giá trị bền vững, chung tay bảo vệ môi trường.

 

Cibes

Tập đoàn thang máy Cibes luôn hưởng ứng những chính sách của Liên Hợp Quốc trong vấn đề phát triển bền vững. Điều này được thể hiện thông qua chiến lược phát triển bền vững - Cibes Way của riêng tập đoàn về việc phát triển kinh doanh, nhưng đồng thời cũng tập trung vào một trong những giá trị quan trọng, đó là yếu tố Hành Tinh.

Không nằm ngoài những nỗ lực chung đó, Cibes Lift Việt Nam cũng góp một phần nhỏ để khiến hành tinh của chúng ta ngày một xanh hơn bằng việc góp 1000 cây trồng tại rừng Quốc gia Bến En - Thanh Hóa. Mong rằng mỗi một chiếc cây sẽ góp sức giúp trái đất nói chung và Việt Nam nói riêng có một tương lai xanh hơn.

 

Vietnamese Language Studies (VLS) 

Được thành lập từ năm 1994, trong nhiều năm qua, VLS đã khẳng định được vị thế luôn là một trong những trung tâm hàng đầu chuyên cung cấp các khóa học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam bởi chúng tôi luôn cam kết về những dịch vụ chất lượng và đáng tin cậy. Tính đến nay, VLS đã và đang cung cấp các lớp học mang tính cá nhân hóa cho hơn 13.000 học viên và hơn 500 tổ chức và doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trong 29 năm qua, VLS không chỉ cam kết về những khóa học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam lượng cao mà chúng tôi còn theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường và tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng thông qua các chương trình từ thiện và bảo vệ môi trường, giúp gắn kết học viên, đối tác và khách hàng.

Năm nay, VLS rất vui mừng được bắt đầu một hành trình mới trong công cuộc bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu và tạo ra những tác động to lớn đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Cam kết trồng rừng của VLS và Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia sẽ là dự án đầu tiên của VLS trong hành trình này. Theo đó, khi các học viên đăng ký khóa học tiếng Việt tại VLS, chúng tôi sẽ trích một khoản thu nhập vào chiến dịch trồng rừng đã cam kết. Cụ thể, trong năm 2023, VLS cam kết sẽ đóng góp 1.500 cây rừng, phủ xanh 1,5 héc ta rừng Quốc Gia Bến En, Thanh Hóa.

 

Công ty TNHH Saitex International

SAITEX, nhà máy denim quy mô lớn đầu tiên và duy nhất trên thế giới được B Corp, Fair Trade chứng nhận, và được LEED và Blue Sign chứng nhận với công nghệ tiên tiến nhất để giảm thiểu tác động. 

SAITEX là một trong những doanh nghiệp đã bền bỉ góp xanh cho các khu rừng cùng Gaia. SAITEX đã bắt đầu góp cây cho rừng Xuân Liên cùng Gaia vào tháng 3.2020 với số lượng là 2000 cây, tiếp đó hai lần một năm, Saitex góp 1774 cây. Tính đến nay tổng số cây Saitex góp cho rừng Xuân Liên lên đến 10.870 cây. Cũng trong khuôn khổ những hoạt động tiếp nối hành trình ý nghĩa ấy, tháng 12/2020, SAITEX đã góp cây với số lượng kỉ lục tại Rừng Cà Mau - 99.927 cây.

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY