TRỒNG RỪNG CHỐNG SA MẠC HÓA HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

TRỒNG RỪNG CHỐNG SA MẠC HÓA HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI

Bình Thuận, ngày 05.06.2024, nhân Ngày Môi trường Thế giới, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu khởi động chương trồng rừng chống sa mạc hóa 2024. Chương trình trồng rừng Tà Kóu có vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, chống hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, bảo vệ an ninh nguồn nước, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với những ý nghĩa đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh tại Việt Nam diện tích đất suy thoái tăng nhanh chóng mặt chiếm tới 37.74% diện tích đất tự nhiên, chương trình đã nhận được sự đồng hành của Hoa hậu H’Hen Niê và các KOL nổi tiếng góp phần lan tỏa thông tin, nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc trồng rừng phục hồi đất và bảo vệ an ninh sinh thái.

 

Đất là lớp da của Trái Đất, là nguồn gốc của sự sống trên cạn nhưng ước tính có tới 40% diện tích đất trên thế giới đã bị suy thoái! Do đó, ngày Môi trường thế giới 05.06.2024 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng tới kêu gọi cộng đồng người dân chung tay bảo vệ cuộc sống của chính mình qua các hoạt động phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an ninh nguồn nước và an ninh lương thực.

 

Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa là 11,838 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó 1,207 triệu ha bị thoái hóa nặng, 3,787 triệu ha bị thoái hóa trung bình và 6,844 triệu ha bị thoái hóa nhẹ. Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000ha. Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hoá càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.

 

Để góp phần ứng phó với hiện tượng sa mạc hóa, hưởng ứng mục tiêu Phục hồi đất - một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng rừng tại những khu vực rừng nghèo kiệt trên đất cát ven biển tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu.

 

Bà Huyền Đỗ - Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cho biết: “Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu tại Bình Thuận lại là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng nhất của thế giới với nhiều loài động thực vật quý hiếm và sinh cảnh rừng đa dạng. Tuy nhiên, Tà Kou hiện có khoảng 100ha những khu vực rừng nghèo kiệt trên đất cát ven biển là những vùng đất do người dân hoàn trả lại cho khu bảo tồn. Do đó, Gaia quyết tâm kết nối các nguồn lực xã hội phủ xanh các đồi cát, góp phần phục hồi đất, hạn chế hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, hình thành rừng, mở rộng sinh cảnh sống cho các loài hoang dã, và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Hơn thế nữa, Bình Thuận là một trong những tỉnh thường xuyên chịu hạn hán do có lượng mưa thấp nhất cả nước thì việc trồng rừng sẽ góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước. Vì các đồi cát ven biển là nơi trữ nước mưa trong mùa mưa. Nước trữ ngầm trong đồi cát tạo dòng chảy ngầm ngấm dần dưới chân đồi. Nhưng nếu không có biện pháp lưu trữ, nguồn nước ngầm này nhanh chóng bị bốc hơi vì nắng nóng. Do đó, việc trồng rừng sẽ giúp hạn chế bốc hơi nước, tích được thêm nhiều nước trong mùa mưa.”

 

Chương trình trồng rừng Tà Kóu hân hạnh có sự tham gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê, các KOL nổi tiếng cùng với các doanh nghiệp tiên phong tài trợ trồng rừng như Sociolla, Ngân hàng UOB Việt Nam, JTI. Hoạt động trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên Tà Kóu đã mang lại những ấn tượng sâu sắc cho người tham gia khi được góp sức phủ xanh rừng nghèo ở các đồi cát và trải nghiệm khu rừng giàu với đa dạng sinh học cao tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu. 

 

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê chia sẻ: “Ban đầu, Hen đã rất hoài nghi nghĩ tới tính hiệu quả của việc trồng rừng tại những đồi cát trống trải chỉ có một vài cây bụi và cỏ chân đế. Nhưng sau khi trực tiếp đến nơi, gặp gỡ và lắng nghe chị Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cũng như cán bộ Khu Bảo tồn giải thích về kỹ thuật trồng rừng, cách chăm sóc và giám sát, Hen đã tràn đầy hy vọng và biết ơn khi mình được tham gia vào nỗ lực kỳ diệu biến đồi cát thành rừng. Hen mong rằng qua chuyến đi này sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng Gaia trồng rừng, gửi đến khu rừng nhiều nguồn lực và những lời chúc tốt đẹp để chúng ta cùng đẩy lùi hiện tượng sa mạc hóa bằng rừng cây.”

 

Các loài cây được trồng tại đây bao gồm những loài cây bản địa chịu hạn như Bằng lăng, Giáng hương,… Để giúp cây phát triển tốt hơn, các hạt tích nước và phân vi sinh được bổ sung trong hố trồng. Xuyên suốt 5 năm, đội ngũ cán bộ kiểm lâm cùng với cán bộ Gaia sẽ thường xuyên giám sát sinh trưởng, tưới bổ sung định kỳ và tiến hành các can thiệp kỹ thuật lâm nghiệp khi cần. 

 

Gaia sẽ phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu không ngừng nỗ lực nghiên cứu, triển khai các giải pháp để khu rừng hình thành. Xuyên suốt quá trình đó, các hình ảnh và số liệu cụ thể về sự phát triển của khu rừng sẽ được tổng hợp trong các báo cáo giám sát rừng và gửi đến nhà tài trợ hàng năm trong vòng 5 năm. Tham gia trồng rừng cùng Gaia, các doanh nghiệp, tổ chức đã góp phần Hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 -2025, Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hoá giai đoạn 2021 – 2025, và hướng đến mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng vào năm 2025. 

 

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục thực hiện trồng rừng đầu nguồn tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền ,... Gaia hy vọng sự chung tay và góp sức của tất cả cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp cùng góp rừng. Chỉ cần mỗi cá nhân chung tay trồng 1 cây xanh sẽ tạo ra khu rừng xanh tốt. Các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân muốn tìm hiểu về chương trình “Góp 1 cây là góp rừng” hoặc hoạt động về bảo tồn thiên nhiên vui lòng liên hệ với Gaia thông qua địa chỉ email info@gaiavn.org.

THÔNG TIN THÊM

Về Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia Nature Conservation)  www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh. 

 

Chương trình góp 1 cây là góp rừng (http://bit.ly/gop1caylagoprung): là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm! Tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp 1 hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích. Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên… Ngay sau khi bạn chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên website Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo về khu rừng công khai cho mọi người đóng góp. Trong 2022, Gaia đã kết nối được với các nguồn lực trong xã hội đặc biệt từ 46 doanh nghiệp, hàng ngàn tổ chức và cá nhân. Với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được hơn 223.835 cây phủ xanh diện tích hơn 121.ha, trên 6 khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. 

 

Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  

 

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu 

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu tỉnh Bình Thuận, được thành lập năm 1996, có tổng diện tích 11.886 ha; cách thành phố Hồ Chí Minh 140km. Đây là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng nhất của thế giới. Rừng khô lá rộng điển hình là nơi tập trung hệ sinh thái rừng đa dạng và hệ động thực vật phong phú với hơn 751 loài thực vật và 178 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam.

Khu vực trồng rừng là những nương rẫy cũ của người dân. Đây là những sinh cảnh rừng nghèo kiệt ven biển trên đất cát; hiện chỉ có một số cây bản địa thưa thớt hoặc hầu như trống trọc. Khu vực trồng rừng cũng có thể là các đồi cát trống trọc, di động ven biển. Các sinh cảnh đất cát trống trọc này hàng năm tấn công hệ sinh thái, cuốn theo tất cả các loài thực vật và động vật trên đường đi và biến vùng đất thành sa mạc. Hiện có khoảng hơn 100ha rừng nghèo kiệt ven biển và đồi cát di động trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà  Kóu cần được phục hồi thành rừng.

 

Sociolla

Sociolla là thương hiệu phân phối và bán lẻ đa kênh các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân hàng đầu đến từ Indonesia, bên cạnh việc kinh doanh, Sociolla còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng thông qua chiến dịch Waste Down Beauty Up - Làm Đẹp Không Lãng Phí với mục tiêu khuyến khích các tín đồ làm đẹp mua sắm mỹ phẩm lành mạnh theo 04 bước: (1) Đọc review từ người dùng thật trên Soco App; (2) Thử trước tester và size nhỏ; (3) Dùng hết sản phẩm trước khi mua mới; (4) Mang vỏ mỹ phẩm rỗng đến tái chế tại các cửa hàng Sociolla. 

Sociolla còn cam kết thực hiện chính sách không sử dụng màng xốp hơi bong bóng, thay vào đó sẽ sử dụng bao bì thân thiện với môi trường cho cả các giao dịch trực tuyến và tại cửa hàng. Trao tặng bàn ghế tái chế cho các trường học có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia trồng rừng, phủ xanh trái đất.

 

Ngân hàng UOB Việt Nam

Ngân hàng UOB Việt Nam là ngân hàng con của Ngân hàng UOB tại Singapore, một ngân hàng hàng đầu tại châu Á với mạng lưới hơn 500 văn phòng ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày nay, UOB Việt Nam cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp cho cả khách hàng Việt Nam và nước ngoài thông qua mạng lưới kết nối khu vực của UOB. 

UOB là một trong những ngân hàng tiên phong trong thực hành ESG tại Việt Nam. Trong năm 2024. UOB Việt Nam vừa ra mắt chương trình "Hành động xanh, tương lai xanh". Theo đó, kể từ ngày 01/04/2024 đến hết năm 2025, với mỗi khoản vay mua xe ô tô hoặc vay mua/thế chấp nhà giải ngân thành công tại UOB Việt Nam, khách hàng đã chung tay đóng góp vào quỹ trồng cây và nước sạch của Ngân hàng. Chương trình không chỉ thể hiện sự cam kết đồng hành trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững của UOB, mà còn thúc đẩy lối sống xanh, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phát triển bền vững. 

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY