WANA TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG GAIA TRỒNG RỪNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

WANA TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG GAIA TRỒNG RỪNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu biểu hiện ngày một rõ nét hơn khi tình hình thời tiết diễn biến trên cả nước ngày một bất thường với những đợt nắng nóng, mưa dầm, dông lốc, mưa đá diễn ra liên tục, khó dự báo chính xác và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Trước tình hình đó, việc trồng rừng tạo bể chứa carbon, tạo lá chắn giảm nhẹ thiệt hại thiên tai khi mưa bão, bảo vệ an ninh nguồn nước là một giải pháp thiết thực, hiệu quả và bền vững.

 

Vững bước trên hành trình trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, WANA Beverage, một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực gia công nước giải khát, tiếp tục đồng hành cùng Gaia trong công cuộc “tô vẽ” sắc xanh Việt Nam, thúc đẩy hành trình đạt đến “kỷ nguyên” Net Zero vào năm 2050!

 

Trong năm 2023, hơn 25 thành viên WANA đã chung tay trồng 450 cây tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hoá Đồng Nai. Năm nay, 2024, WANA đặc biệt nâng con số lên 2000 cây, góp phần biến rừng nghèo kiệt tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hoá). 

 

Đại diện WANA chia sẻ: “Sau chuyến đi trồng rừng Đồng Nai năm ngoái, chúng tôi càng thêm tin tưởng và quyết tâm để trồng rừng. Đây là một hình thức đóng góp cho cộng đồng, thiên nhiên vô cùng ý nghĩa, tạo ra tác động tích cực lâu dài. Do đó, chúng tôi đã quyết định tiếp tục góp rừng vào năm nay và đặt mục tiêu trong tương lai sẽ phủ xanh nhiều cánh rừng nhất có thể. WANA hy vọng với lần hợp tác cùng Gaia và nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khu rừng Xuân Liên sẽ trở thành khu rừng luôn tươi xanh như chính cái tên của nó vậy!”

 

Hoạt động trồng rừng Xuân Liên góp phần phục hồi rừng nghèo kiệt vốn là nương rẫy do người dân hoàn trả lại cho Khu Bảo Tồn, các khu vực bán ngập trống trọc như sân golf và góp phần kiến tạo nên bộ sưu tập gỗ phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu, tham quan trong tương lai. Các loài cây trồng ở rừng Xuân Liên là các giống gỗ bản địa được ươm tạo bởi cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên như Quế, Lim xanh, Giổi,... 

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên Nhiên Gaia cho biết: “Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó, để góp phần ứng phó, chúng ta cần nỗ lực cải thiện chất lượng rừng, nâng diện tích rừng tự nhiên tại các khu rừng đầu nguồn quan trọng. Các khu rừng không chỉ góp phần hấp thụ khí nhà kính, làm chậm tiến trình Trái Đất nóng lên, mà điều hòa nguồn nước, giảm xói mòn, sạt lở đất khi mưa bão. Trong 4 năm qua, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp và cá nhân, Gaia đã trồng được 76,169 cây, phục hồi 85.5ha rừng Xuân Liên. Gaia xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của WANA trong 2 năm qua và hy vọng rằng sự bền bỉ của WANA sẽ là một ngọn đuốc sáng, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay trồng và phục hồi rừng. ”

 

Các khu rừng của WANA đã, đang và sẽ tiếp tục được Gaia chăm sóc và giám sát trong vòng 4 năm. Để đảm bảo tỷ lệ sống từ 75-80%, Gaia sẽ triển khai các hoạt động chăm sóc rừng như phát quang, làm cỏ, xới đất, trồng dặm định kỳ 2 lần một năm. Các thông số và hình ảnh về hoạt động giám sát rừng cũng được tổng hợp thành báo cáo gửi WANA và các đơn vị góp rừng hằng năm. 

 

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Góp một cây là góp rừng” với mục tiêu phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu ... đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài hoang dã và thiên nhiên Việt Nam. Gaia cũng kêu gọi sự ủng hộ, của các công ty, đơn vị, trường học, cá nhân, cùng đồng hành với Gaia trong công cuộc phục hồi, làm giàu rừng đầy ý nghĩa này!

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY