Hoa hậu H’Hen Niê lội bùn khoanh nuôi rừng Cà Mau nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2022

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

Hoa hậu H’Hen Niê lội bùn khoanh nuôi rừng Cà Mau nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2022

Cà Mau, ngày 10 tháng 10 năm 2022 - Hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13.10.2022, cuối tuần qua, hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê đã tham gia chương trình khoanh nuôi và trải nghiệm rừng Cà Mau do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau phối hợp tổ chức. Hoạt động thực hiện gia cố hàng rào, căng lưới giữ hạt mắm và giám sát số lượng cây mắm được tái sinh trong khu vực 50 ha bãi bồi khoanh nuôi năm 2020. Đặc biệt, Hoa hậu H’Hen Niê cùng trò chuyện và chia sẻ với hơn 50 người dân và các bạn trẻ kỳ trại Trải nghiệm Cà Mau - U Minh Hạ về bảo vệ rừng và vai trò to lớn rừng ngập mặn với cuộc sống, sinh kế. 

 

Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên đời sống người dân ngày càng rõ nét như xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung, … Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm 2022, thiệt hại về kinh tế do thiên tai lên đến 4000 tỷ đồng. Do đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trong tương lai, cần có nhiều giải pháp khẩn trương và thiết thực cần được triển khai. Một trong những giải pháp bền vững cần thực hiện là trồng và phục hồi rừng đầu nguồn.

 

Với tình yêu thiên nhiên và không ngừng nỗ lực để lan toả các giá trị tích cực cho cộng đồng, Hoa hậu H’Hen Niê đã tích cực tham gia các chương trình trồng rừng khắp Việt Nam cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia. Trong hành trình trồng rừng Cà Mau lần này, Hoa hậu H’Hen Niê được chia sẻ về vai trò to lớn của rừng ngập mặn, kỹ thuật khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng và trực tiếp đi giám sát khu vực khoanh nuôi do Gaia và VQG Mũi Cà Mau phối hợp thực hiện. Không quản ngại nắng nóng, Hoa hậu H’Hen Niê cùng các bạn trẻ lội bùn,  tham gia gia cố lại các khu hàng rào bị hỏng do tác động của sóng. Vừa làm việc, H’Hen Niê còn trò chuyện trực tuyến với công chúng trên mạng xã hội nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng và trồng rừng Cà Mau. Hoa hậu H'Hen Niê cũng thoăn thoắt lội bùn, đếm số cây Mắm trắng con tái sinh trên diện tích 50ha rừng Cà Mau được thực hiện khoanh nuôi năm 2020. Hàng trăm nghìn cây mắm con phát triển xanh tốt trên bãi bồi trống trọc, hy vọng cây mắm kiên cường bám rễ, giữ đất cực Nam tổ quốc.

 

Chương trình khoanh nuôi rừng Cà Mau còn bao gồm hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ khu vực khoanh nuôi rừng ngập mặn cho người dân địa phương. Sự thân thiện và những chia sẻ ấm áp của Hoa hậu H’Hen Niê giúp bà con cảm thấy gắn kết hơn với hoa hậu, và tích cực tham gia hoạt động. Trong bầu không khí thân tình, bà Huyền Đỗ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và BQL VQG Mũi Cà Mau chia sẻ về ý nghĩa và lợi ích của việc khoanh nuôi rừng ngập mặn, đồng thời lắng nghe những phản hồi và hỗ trợ giải đáp các thắc mắc từ phía bà con một cách ân cần. H’Hen Niê đã cùng Gaia tổ chức trò chơi giúp bà con thấy được tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững.  

 

Bên cạnh những trải nghiệm tích cực khi tham gia khoanh nuôi rừng Cà Mau, không khỏi trăn trở trước những thiệt hại nặng nề do bão Noru gây ra, Hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ mong muốn được góp sức giảm thiểu thiệt hại thiên tai cho mai sau: “Khi được trực tiếp tham gia vào hoạt động khoanh nuôi và giám sát rừng ngập mặn, Hen không khỏi xúc động vì công tác khoanh nuôi rừng thật sự vất vả và thách thức. Lắng nghe trực tiếp những chia sẻ từ người dân địa phương, chị Huyền và BQL VQG Mũi Cà Mau Hen nhận thấy việc khoanh nuôi rừng thật sự rất cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện kinh tế địa phương và giảm thiểu tác động cho xâm nhập mặn sau này. Những ngày gần đây, khi đồng bào miền Trung vẫn còn đang khắc phục hậu quả nặng nề do hoàn lưu bão Noru để lại, Hen không khỏi trăn trở. Đồng hành trồng rừng với Gaia trong gần một năm qua, Hen hiểu được rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế sạt lở, lũ quét và thiên tai. Nhưng hiện nay, ở khắp Việt Nam, vẫn còn rất nhiều diện tích rừng nghèo kiệt cần được phủ xanh. Nhân ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13.10.2022, Hen mong rằng sẽ có nhiều người cùng chung tay góp rừng với Gaia để cùng xây dựng lá chắn xanh cho thế hệ tương lai trước thiên tai tàn khốc.

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Giám đốc - Nhà sáng lập Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Trước những thông tin đồng bào miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do bão Noru gây ra, chúng tôi thấy càng phải nhanh chóng hành động. Biến đổi khí hậu đang làm cho thiên tai ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Gaia hiện đang triển khai chương trình trồng rừng Cà Mau để ứng phó với biến đổi khí hậu giảm thiệt hại thiên tai như xâm nhập mặn, bão lũ. Gaia cũng đang nỗ lực trồng rừng Bạch Mã, tạo tấm giáp chắn cho miền Trung. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một cuộc chạy đua dài sức và chúng ta phải liên tục đồng nỗ lực. Tôi hy vọng rằng sẽ có thêm sự chung tay từ cộng đồng để hợp sức trồng cây phủ xanh Việt Nam, vì một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn.

 

Ông Lê Văn Dũng- Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: “VQG Mũi Cà Mau đã phối hợp cùng  Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Cà Mau từ năm 2020 đến nay. Sau 2 năm thực hiện, chương trình đã cho thấy sự hiệu quả, góp phần gia tăng diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động có ý nghĩa trong việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp với nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực về vai trò, ý nghĩa của rừng ngập mặn.” 

 

Hiện nay, trước tình hình bão lũ đang gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung yêu thương, Gaia đang tập trung kêu gọi góp cây cho rừng Bạch Mã để giảm nhẹ thiệt hại bão lũ trong tương lai. Bên cạnh đó, Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng và phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên,,... Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đối với chương trình. Sự cộng hưởng, hợp lực của cộng đồng sẽ giúp tạo ra được những tác động tích cực to lớn, mang lại một môi trường sống trong lành, an toàn hơn cho tất cả. Vì một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn!

Mời bạn xem thêm hình ảnh về hoạt động khoanh nuôi rừng Cà Mau của Hoa hậu H'Hen Niê tại đây.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THÔNG TIN BỔ SUNG

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh. 

 

Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2017, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  

 

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là vùng trọng điểm của Khu Dự trữ Sinh Quyển thế giới Cà Mau, một trong khu RAMSAR của Việt Nam (đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới. Thành lập năm 2003 với diện tích 41,862ha, trong đó 15,262ha là đất liền, còn lại 26,600ha vùng bờ biển và các bãi bồi, đây là Vườn Quốc gia ở Cực Nam của tổ quốc, với ý nghĩa chính trị, quốc phòng to lớn. Đồng thời, đây cũng là nơi bảo tồn nguồn gen, bảo vệ các hệ sinh thái đa dạng với hơn 400 loài, trong đó có hơn 40 loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như Rái cá, Mèo cá, Trăn gấm...

 

Chương trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Cà Mau

Chương trình Trồng rừng Cà Mau này, gọi chính xác là khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Cà Mau nhằm tăng diện tích rừng, đẩy đất liền ra biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, tăng khả năng chắn sóng bảo vệ bờ biển, và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng như: nơi nuôi dưỡng ấu trùng thủy hải sản, tạo môi trường sống cho nhiều loài quý hiếm, phát huy các giá trị giáo dục, nghỉ dưỡng và khoa học của khu rừng.

Hoạt đồng khoanh nuôi trồng rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, giúp biến các khu vực bãi bồi rộng lớn thành rừng ngập mặn và dần dần sẽ trở thành đất liền, giúp đẩy lùi nước mặn ra biển. Năm 2020, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long, đã đạt mức kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong khu vực. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng xâm nhập mặn này, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đến năm 2100, nếu nước biển dâng cao lên 100cm, hiện trạng xâm nhập mặn sẽ diễn biến trầm trọng đến mức làm chìm khoảng 40% diện tích Đồng Bằng sông Cửu Long xuống biển.

Mời xem thông tin cụ thể tại đây: bit.ly/rungcamau

 

Vườn Quốc gia Bạch Mã 

Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập năm 1991, với diện tích 37.487ha, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Nằm trong vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái trọng điểm của toàn cầu, Vườn Quốc Gia Bạch Mã là nơi có tài nguyên đa dạng sinh học giàu có. Hệ động vật có 1.715 loài trong đó có rất nhiều loài quý hiếm ở cấp quốc gia và quốc tế như: Chà vá chân nâu, Trĩ Sao, Báo hoa mai…Hệ thực vật giàu có với khoảng 2.373 loài, với hàng trăm loài quý hiếm, đặc hữu.

 

Chiến dịch trồng rừng Bạch Mã giảm thiệt hại thiên tai. 

Vườn Quốc gia Bạch Mã là khu rừng đầu nguồn quan trọng, là nơi điều hòa nguồn nước cho các con sông lớn trong vùng như sông Truồi, sông Cu Đê, sông Tả Trạch, giúp đảm bảo nguồn nước cho hàng chục triệu người dân ở hạ lưu. Các khu rừng Bạch Mã trên núi cao giúp bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở. Trước khi thành lập, khu vực này thuộc các lâm trường quản lý và do vậy bị khai thác mạnh mẽ và trở nên nghèo kiệt. Khu vực trồng rừng tại Khu 9, có hiện trạng chủ yếu là cây bụi phát triển sau khai thác, chiều cao trung bình dưới 0,5m, độ che phủ khoảng dưới 20%. Khu vực dọc đường cao tốc La Sơn- Túy Loan hoàn toàn chưa có cây xanh. Khu vực xung quanh hồ Truồi đất bị sạt lở nghiêm trọng cần được trồng cây bán ngập chống sạt lở.
 

Hoạt động trồng rừng này nhằm phủ xanh những khu rừng nghèo kiệt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, bằng các loài cây gỗ bản địa. Khu rừng giúp cố định đất, chống xói mòn, sạt lở, giảm lũ quét, lũ ống và cải thiện các chức năng sinh thái khác của rừng như: tăng cường hấp thu CO2 giảm biến đổi khí hậu, điều tiết nước và đảm bảo năng suất mùa vụ. Khu rừng mới trồng cũng sẽ tạo ra nơi sinh sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm. Các loại cây sẽ được trồng ở đây bao gồm: Lim Xanh, Lim lá thắm, Sến mật, Chò, Gáo vàng…

Mời xem thông tin cụ thể tại đây: bit.ly/rungbachma

 

Hoa hậu H’Hen Niê

H’Hen Niê là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, đồng thời cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên tại Việt Nam giành vương miện Hoa hậu Hoàn Vũ. Trước đó cô đã lọt vào top 9 của cuộc thi Vietnam’s Next Top Model năm 2015.

 

Mới đây, 12/2018, cô xuất sắc lọt vào top 5 chung cuộc thi Miss Universe 2018 (Hoa Hậu Hoàn Vũ 2018) tại Thái Lan. Đây là thành tích tốt nhất trong lịch sử của các người đẹp Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp quốc tế.

 

Trong suốt quá trình đương nhiệm và cả sau khi kết thúc nhiệm kỳ, H’Hen Niê là một trong những hoa hậu rất tích cực đóng góp cho cộng đồng với những hành trình thiện nguyện trên khắp Việt Nam. H’Hen Niê tham gia trồng rừng Xuân Liên cùng Gaia như một bạn trẻ đặc biệt, muốn góp công sức và tiếng nói của mình cho một Việt Nam Xanh hơn. 

 

Buổi livestream của H’Hen Niê trong khi khoanh nuôi rừng Cà Mau tại đây: https://bit.ly/3fVt789

 

Loạt thông tin về sự tham gia của H’Hen Niê trong các hoạt động trồng cây trường học tại TP Hồ Chí Minh, trồng giám sát và trải nghiệm các khu rừng:

 

Chuỗi bài viết Chúng ta không thể sống thiếu rừng trên fanpage Gaia Nature Conservation

 
 
 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY