TRỒNG RỪNG BẠCH MÃ
Mời xem lời nhắn theo thời gian góp rừng ► Đợt 4: 03-11.2022 ► Đợt 3: 03-11.2021 Trang 1 - 2 ► Đợt 2: 01-02.2021 ► Đợt 1: 10-12.2020
Cứ mỗi phút trôi qua, thế giới lại mất đi một diện tích rừng bằng 40 sân bóng đá (Global Forest Watch). Việt Nam đã mất đi hơn 50% diện tích rừng tự nhiên, so với năm 1945. Sự suy giảm nhanh chóng diện tích và chất lượng rừng đầu nguồn đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống con người. Do mất rừng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Hàng năm Miền Trung ruột thịt đều oằn mình chịu bão. Bão lũ Miền Trung càng ngày càng gây hậu quả thảm khốc hơn do mất rừng. Những cánh rừng rộng lớn trước kia đã bị biến thành thủy điện cóc, khu vui chơi giải trí, đường đi, xây nhà, đất nông nghiệp… Chất lượng rừng Miền Trung suy giảm do nạn khai thác lâm sản trái phép cũng khiến chức năng sinh thái rừng yếu đi, không đủ chở che bảo vệ con người khỏi bão lũ.
Chỉ với 95.000đ, bạn có thể trồng được một cây gỗ lớn tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Hoạt động trồng rừng này nhằm khôi phục những khu rừng nghèo kiệt, bảo vệ hàng triệu người dân ở hạ lưu khỏi bão lũ, sạt lở. Hoạt động trồng rừng cũng giúp cải thiện các giá trị sinh thái rừng như hấp thụ CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu, và tạo ra ngôi nhà an toàn, khỏe mạnh cho các loài quý hiếm như: Chà vá chân nâu, Báo hoa mai, Trĩ sao, Gà lôi hông tía.... Các loài cây gỗ lớn bản địa được trồng gồm: Lim xanh (Erythrophleum fordii), Lim lá thắm, Sến mật, Chò...
Ngay khi bạn chuyển khoản ủng hộ trồng rừng, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trong khu rừng này: bit.ly/rungbachma. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng Bạch Mã dự kiến vào cuối tháng 12.2022. Bạn sẽ được nhận tin tức về khu rừng trong 4 năm liên tiếp.
CÁCH ỦNG HỘ:
Cách 1. Chuyển khoản vào Ngân hàng ACB, Tên TK: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Số TK: 111 666 7878. Nội dung: R8- Tên bạn - Số điện thoại - Lời nhắn trên khu rừng (không quá 20 ký tự)
Cách 2. Qua ví momo bằng cách quét mã QR trên ảnh bằng camera để ghi nội dung: R8- Tên bạn - Số điện thoại - Lời nhắn trên khu rừng (không quá 20 ký tự).
Nếu bạn muốn nhận thông tin về RỪNG BẠCH MÃ, hãy điền form này: bit.ly/nhantinrunggaia
Sau 1-2 ngày, không quên xem tên và lời nhắn của mình trên RỪNG BẠCH MÃ tại: bit.ly/rungbachma
Mời xem thêm thông tin về chương trình doanh nghiệp trồng rừng cùng Gaia tại đây: http://bit.ly/doanhnghiepthamgiagaia
Kéo xuống dưới để xem tầm quan trọng của việc trồng khu rừng này.
Mục tiêu trồng rừng đợt 4: ít nhất 5000 cây
Tổng số cây đã ủng hộ đợt 4: 1759 cây
Hạn ủng hộ: 28.11.2022
Tổng số cây đã trồng tại rừng Bạch Mã là: 8.954 cây bao gồm:
- Đợt 1 đã trồng 3.702 cây vào tháng 1.2021
- Đợt 2 đã trồng 1.034 cây vào tháng 2.2021
- Đợt 3 đã trồng 4.218 cây vào tháng 12.2021
Mời xem Báo cáo rừng Bạch Mã tại đây: bit.ly/baocaorungbachma
Trồng rừng ở đâu?
Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Khu vực 9, thuộc Lô 1a khoảnh 2, tiểu khu 214, khu đất trống thuộc Trạm Kiểm Lâm Khe Ao và Khe Mỏ Rang hoặc ven đường rừng trống trọc...
Tại sao cần trồng rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã?
Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập năm 1991, với diện tích 37.487ha, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Nằm trong vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái trọng điểm của toàn cầu, Vườn Quốc Gia Bạch Mã là nơi có tài nguyên đa dạng sinh học giàu có. Hệ động vật có 1.715 loài trong đó có rất nhiều loài quý hiếm ở cấp quốc gia và quốc tế như: Chà vá chân nâu, Trĩ Sao, Báo hoa mai…Hệ thực vật giàu có với khoảng 2.373 loài, với hàng trăm loài quý hiếm, đặc hữu.
Là khu rừng đầu nguồn quan trọng, Vườn quốc gia Bạch Mã là nơi điều hòa nguồn nước cho các con sông lớn trong vùng như sông Truồi, sông Cuđê, sông Tả Trạch, giúp đảm bảo nguồn nước cho hàng chục triệu người dân ở hạ lưu. Các khu rừng Bạch Mã trên núi cao giúp bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở.
Trước khi thành lập, khu vực này thuộc các lâm trường quản lý và do vậy bị khai thác mạnh mẽ và trở nên nghèo kiệt. Khu vực trồng rừng tại Khu 9, có hiện trạng chủ yếu là cây bụi phát triển sau khai thác, chiều cao trung bình dưới 0,5m, độ che phủ khoảng dưới 20%. Khu vực dọc đường cao tốc La Sơn - Túy Loan hoàn toàn chưa có cây xanh. Khu vực xung quanh các trạm kiểm lâm: là những khu đất trống trọc với một vài cây bụi thưa thớt.
Hoạt động trồng rừng này nhằm phủ xanh những khu rừng nghèo kiệt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, bằng các loài cây gỗ bản địa. Khu rừng giúp cố định đất, chống xói mòn, sạt lở, giảm lũ quét, lũ ống và cải thiện các chức năng sinh thái khác của rừng như: tăng cường hấp thu CO2 giảm biến đổi khí hậu, điều tiết nước và đảm bảo năng suất mùa vụ. Khu rừng mới trồng cũng sẽ tạo ra nơi sinh sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm. Các loại cây sẽ được trồng ở đây bao gồm: Lim Xanh, Lim lá thắm, Sến mật, Chò, Gáo vàng...
Chi phí trồng rừng Bạch Mã được tính như thế nào?
Mỗi một cây bạn đóng góp 95.000VNĐ bao gồm:
- Cây giống, vật tư (12,4%): 11,810đ
- Vận chuyển, nhân công trồng rừng (19,4%): 18,445đ
- Chăm sóc bảo vệ trong 4 năm (36,8%): 34,941đ
- Giám sát, lập báo cáo (21%): 19,929đ
- Vận hành, quản lý (10,4%): 9875đ
Gaia đã có giấy phép trồng rừng Bạch Mã chưa?
Gaia và Vườn quốc gia Bạch Mã đã có ký xác nhận về việc trồng rừng, mời bạn đọc tại: https://bit.ly/giaypheptrongrungbachma
Làm sao để biết khoản đóng góp của tôi có thực sự được trồng rừng?
Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra sự minh bạch trong quá trình gây quỹ và trồng rừng bằng việc:
- Sau khi bạn đóng góp thành công cho Gaia, số lượng cây bạn đóng góp và lời nhắn kèm theo sẽ được hiển thị trên khu rừng: bit.ly/rungbachma
- Ngay sau khi đợt trồng rừng diễn ra, Gaia sẽ lập báo cáo giám sát về khu rừng đã trồng. Tiếp tục trong 4 năm tiếp theo, mỗi năm bạn đều sẽ nhận được báo cáo giám sát sự thay đổi của khu rừng công khai trên Website của Gaia. Bạn có thể xem báo cáo tại đây: bit.ly/baocaorungbachma
Sau khi trồng rừng Bạch Mã, Gaia sẽ chăm sóc, bảo vệ khu rừng như thế nào?
Sau khi trồng rừng, khu rừng sẽ được Gaia phối hợp cùng Ban quản lý Vườn Quốc Gia Bạch Mã chăm sóc khu rừng mỗi năm 1 lần (xới đất, phát cỏ, trị bệnh, bón phân nếu cần...). Khu rừng cũng sẽ được bảo vệ nghiệm ngặt bởi chính lực lượng kiểm lâm tại Vườn. Ngoài ra, Gaia sẽ kiểm đếm số lượng cây sống, chụp ảnh giám sát, đồng thời giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao nhất.
Nếu tôi muốn đi trồng rừng cùng Gaia thì làm sao?
Trong các đợt trồng rừng, nếu điều kiện thuận lợi, Gaia sẽ tổ chức các chuyến đi Trồng rừng và Trải nghiệm thiên nhiên cho mọi người. Bằng cách đăng ký tham gia cùng Gaia, bạn sẽ cùng Gaia trồng những cây gỗ quý hiếm cho các khu rừng. Thông tin chi tiết Gaia sẽ đăng tải và thông báo cho cộng đồng trên Fanpage Gaia Nature Conservation. Mời các bạn đón đọc thông tin. Bạn có thể đăng ký nhận thông tin các chuyến tại đây: bit.ly/dangkyquantamditrongrung
Một số hình ảnh khu trồng và khảo sát rừng Bạch Mã. Hình ảnh trồng rừng sẽ được cập nhật thêm sau khi trồng rừng.
Mời xem lời nhắn theo thời gian góp rừng ► Đợt 4: 03-11.2022 ► Đợt 3: 03-11.2021 Trang 1 - 2 ► Đợt 2: 01-02.2021 ► Đợt 1: 10-12.2020